Từ lâu, xứ sở kim chi với nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á và làn sóng Hallyu có sức lan tỏa mạnh mẽ đã trở thành “điểm đến trong mơ” của nhiều bạn trẻ Việt. Theo đó, ngành Hàn Quốc học cũng nhanh chóng thu hút được sự quan tâm tư đông đảo sĩ tử mỗi mùa tuyển sinh. Thấu hiểu tâm lý đó, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn một số thông tin cơ bản về ngành học hấp dẫn này.
Ngành Hàn Quốc học là gì?
Ngành Hàn Quốc học là ngành đào tạo định hướng cho sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu về xứ sở kim chi trên nhiều phương diện khác nhau, chẳng hạn như: ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế… Trên cơ sở đó, người học sẽ có cơ hội rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Hàn trong nhiều bối cảnh, lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch và văn hóa, phong tục... Đây là nền tảng lý tưởng để bạn thích ứng và hòa nhập với môi trường làm việc trong các công ty Hàn Quốc hoặc doanh nghiệp có liên kết hợp tác với đối tác đến từ quốc gia này.
Các trường tuyển sinh ngành Hàn Quốc học
Hiện nay, ngành Hàn Quốc học được giảng dạy tại khoảng hơn một chục trường đại học trên cả nước. Trong đó, xét về uy tín và kinh nghiệm đào tạo, 3 địa chỉ dưới đây đang là những lựa chọn thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh cuối cấp:
- Đại học Lạc Hồng (LHU);
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM;
- Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM.
Ngành Hàn Quốc học xét tuyển tổ hợp môn nào?
Hầu hết các trường đại học có ngành Hàn Quốc học hiện nay đều xét tuyển đầu vào với tổ hợp môn D01 (Toán, Văn, Anh). Để mở rộng cơ hội trúng tuyển đối với những thí sinh yêu thích ngành học, Đại học Lạc Hồng tuyển sinh ngành Hàn Quốc học với 4 tổ hợp môn: C00 (Văn, Sử, Địa), C03 (Văn, Toán, Sử), C04 (Văn, Toán, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh).
30 điểm khối C mới đậu vào ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Ở nhiều trường khác, ngành này cũng có mức điểm chuẩn nằm trong "tốp". Vì sao?
Dần "soán ngôi" các ngành ngôn ngữ
Trước đây, tại các trường ĐH, ngành ngôn ngữ Anh luôn có mức điểm chuẩn cao nhất trong số các ngành ngôn ngữ. Nhưng vài năm trở lại đây thì ngôi vị đó lại nhường chỗ cho ngành Hàn Quốc học hoặc ngôn ngữ Hàn.
Chẳng hạn, năm 2020, tại Trường ĐH Hà Nội, điểm chuẩn của ngành ngôn ngữ Hàn là 35,38 (ngoại ngữ hệ số 2), cao hơn cả ngôn ngữ Anh (34,82). Trong khi đó, tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm 2020, ở khối sư phạm, ngành sư phạm tiếng Hàn có điểm trúng tuyển cao thứ 2 - 35,87 điểm, cao hơn cả sư phạm tiếng Anh (34,82). Ở khối ngôn ngữ hệ chất lượng cao, ngành ngôn ngữ Hàn là 34,68, cao nhất trong số các ngành ngôn ngữ chất lượng cao của trường này. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2020 cũng có mức điểm chuẩn 25,2 cho ngành Hàn Quốc học, cao hơn nhiều ngành ngôn ngữ khác.
Ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay có mức điểm chuẩn 25,8, cao hơn rất nhiều ngành ngôn ngữ khác và chỉ kém ngành ngôn ngữ Anh 0,2 điểm. Cá biệt, năm nay tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học ở tổ hợp môn khối C lên tới 30 điểm, chiếm ngôi vị đầu bảng trong tổng số gần 30 ngành của trường này và là con số kỷ lục từ trước đến nay. Điều đó có nghĩa thí sinh khu vực 3, không thuộc đối tượng ưu tiên nào, muốn đậu phải đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn thi trong tổ hợp.
Nhu cầu nhân lực rất lớn
Lý giải về việc ngành ngôn ngữ Hàn Quốc và Hàn Quốc học ngày càng "nóng", tiến sĩ Lưu Tuấn Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông Phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho biết: "Trong hơn 25 năm qua, Hàn Quốc đã nỗ lực và thành công trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia tại Việt Nam. Nhờ đó, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong một thời gian ngắn đã được nâng lên thành mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hàn Quốc cũng vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước ta. Cùng với tốc độ phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hoá giữa 2 nước, hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc được đông đảo người dân Việt Nam biết đến và yêu mến".
Theo tiến sĩ Tuấn Anh, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng sinh viên học ngành Hàn quốc học và biết tiếng Hàn ngày càng cao, do có nhiều tập đoàn lớn của Hàn đầu tư sang Việt Nam như Samsung, LG, Hyundai... "Không chỉ có cơ hội việc làm lớn ở các doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp còn có thể làm biên phiên dịch cho các cơ quan Chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức về văn hoá, giáo dục, ngoại giao, thương mại... Thực tế nhiều năm qua cho thấy, sinh viên ngành này của trường đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc bán thời gian ngay từ năm 3. Sau khi tốt nghiệp là được tuyển dụng chính thức gần như 100%", tiến sĩ Tuấn Anh cho hay.
Tiến sĩ Trần Nguyễn Nguyên Hân, Chủ nhiệm khoa Tiếng Hàn Quốc, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cũng cho rằng mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển là nguyên nhân chính khiến cho ngành học liên quan đến quốc gia này ngày càng "hot".
"Hàn Quốc có nhiều thành tựu về giáo dục muốn chuyển giao cho Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo nhân tài. Quốc gia này cũng đang là nhà đầu tư dẫn đầu tại nước ta, với hơn 9.000 doanh nghiệp đang có mặt tại 3 miền. Những yếu tố đó đòi hỏi nguồn nhân lực lớn để đáp ứng nhu cầu. Chưa kể, Bộ GD-ĐT cũng đã có quyết định Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông , theo đó, môn tiếng Hàn được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông dạy từ lớp 3 đến lớp 12 nên ngành học liên quan đến Hàn Quốc càng nóng hơn bao giờ hết".
Theo tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư, Trưởng Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong bối cảnh mối quan hệ Việt - Hàn phát triển, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức văn hoá, giáo dục, thương mại hai nước đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn. "Nhất là các tập đoàn, các nhà máy lớn rất cần nhân lực tốt nghiệp ĐH biết tiếng Hàn, am hiểu quốc gia Hàn. Mỗi năm, ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học của trường tuyển khoảng gần 200 chỉ tiêu. Tốt nghiệp là các em được tuyển dụng ngay", tiến sĩ Anh Thư chia sẻ.