Mùa mưa Jangma của Hàn Quốc: Mùa thứ 5
11/07/2021
Hàn Quốc thường được biết tới như một quốc gia có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt và nằm ở vùng khí hậu ôn đới. Loạt bài viết về khí hậu Hàn Quốc của Trung tâm du học Hàn Quốc ACES nhằm mục đích cung cấp cho các bạn những thông tin đầy đủ và hữu ích trước khi sang Hàn Quốc du học. Trong bài viết này, Trung tâm du học Hàn Quốc ACES xin được phép giới thiệu cho các bạn về mùa mưa ở Hàn Quốc.
Mùa mưa Hàn Quốc trong tiếng Hàn là 장마, phiên âm đọc là Jangma. Trong tiếng Anh có thể được dịch là Monsoon Season hoặc đơn giản là Rainy Season. Jangma thường bắt đầu từ trung tuần tháng 6 đến hạ tuần tháng 7 trong giai đoạn mùa hè ở Hàn Quốc.
I. ĐỊNH NGHĨA:
Các bạn sẽ thường nghe người Hàn nói về Jangma với ba từ chuyên dụng là 장마 (Jangma); 장마철 (Jangmacheon) và 장마전선 (Jangmajeonseon) và điều này làm nhiều bạn cảm thấy bị nhầm lẫn khi sử dụng. Để phân biệt được ba từ này, Trung tâm du học Hàn Quốc ACES xin giải thích cho các bạn hiểu để nắm được định nghĩa và Jangma như sau.
1. Jangma (장마) là từ dùng để chỉ một hiện tượng tự nhiên mà trong đó các khối không khí ẩm ướt ở khu vực Đông Bắc Á tập trung lại và cùng di chuyển theo hướng từ Bắc xuống Nam, trong quá trình này có mưa rơi cực kỳ nhiều. Nói theo một cách đơn giản dễ hiểu thì Jangma tức là "Mưa mà rơi liên tục trong một thời gian dài (오랫동안 계속해서 내리는 비)". Do đó, người Hàn còn sử dụng từ 장맛비 (Jangmasbi - Mưa Jangma) hay 여름장마 (Yeoreumjangma - Jangma mùa hè) khi nói về hiện tượng khí hậu này;
2. Jangmacheon (장마철) là chỉ giai đoạn mà jangma xuất hiện từ trung tuần tháng 6 đến hạ tuần tháng 7;
3. Jangmajeonseon (장마전선) là giới tuyến Jangma.
Từ Jangma được sử dụng từ giữa thế kỷ 16 tức thời kỳ Triều Tiên. Jang (장) ở đây là chữ Hán 長 (trường) có nghĩa là dài (길다). Còn Ma (마) hay '마ㅎ' là từ chỉ mưa. Tên gọi ban đầu của Jangma ở thời kỳ này được viết là '댱마ㅎ'. Đến cuối thế kỷ 17, người ta bắt đầu sử dụng thuật ngữ '쟝마' (Jyangma). Đến thời kỳ bị Nhật đô hộ (đầu thế kỷ 20), '장마' mới được sử dụng và kéo dài cho đến ngày nay.
Jangma còn được ghi lại dưới dạng chữ Hán là 구우(Cửu Vũ - 久雨), 임우(Lâm Vũ - 霖雨), 매우(Mai Vũ - 梅雨) hoặc là 적림(積霖). Trong đó, các bạn nào biết chữ Hán sẽ biết từ Lâm Vũ (霖雨) được dùng để chỉ mưa lâu, mưa kéo dài dai dẳng. Có ý kiến cho rằng 3 nước Đông Bắc Á là Hàn - Trung - Nhật sử dụng từ Mai Vũ - '매우'(梅雨) để chỉ mùa mưa Jangma. Có hai giả thiết giải thích cho cách dùng từ này. Thứ nhất, đó là mùa mưa Jangma trùng với thời điểm mơ (매실) chín, nên người ta dùng chữ 梅 (매화나무 매 - Mai trong từ cây hoa Mai) để biểu đạt. Thứ hai, do nấm mốc (곰팡이) rất phát triển vào mùa mưa Jangma có độ ẩm cao, nên người ta dùng chữ 黴 (곰팡이 미 - Mi) để biểu đạt, sau đó chữ 梅 (Mai) đồng âm được sử dụng thay thế.
II. ĐẶC ĐIỂM:
Ở phần này, Trung tâm du học Hàn Quốc ACES đã căn cứ trên nhiều nguồn tài liệu liên quan để viết, do đó, việc giải thích các đặc điểm của Jangma dựa trên quan điểm khí tượng học, nên sẽ có nhiều từ chuyên môn khoa học và cách giải thích hơi khó đọc và khó hiểu. Tuy vậy, để nắm được các kiến thức và thông tin cần thiết về khí hậu Hàn Quốc trước khi đi du học, các bạn cần cố gắng đọc kỹ nhé.
Đầu tiên, là về sự hình thành của Jangma. Jangma hình thành là do nguyên nhân gì?
Sự hình thành của Jangma được giải thích từ việc khí áp cao của Bắc Thái Bình Dương bắt đầu hình thành ở khu vực Đảo Hawaii vào mùa đông, rồi di chuyển dần sang phía Tây, và đến khoảng cuối tháng 6 thì di chuyển đến vùng biển phía Nam của Hàn Quốc.
Mặt khác, băng tuyết ở biển Ô-khốt (오호츠크해) được hình thành trong mùa đông và bắt đầu tan chảy vào mùa xuân, chảy vào khu vực Siberia (시베리아) nên nhiệt độ lạnh hơn 10℃ so với phần đất liền. Do đó, không khí lạnh ở khu vực này tích tụ lại hình thành nên các khối khí áp cao của biển Ô-khốt.
Do khối khí áp cao của biển Ô-khốt và khí áp cao của Bắc Thái Bình Dương có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn nên hình thành một giới tuyến Jangmajeonseon (장마전선) rõ ràng ở giữa hai khối khí áp cao này, từ đó hình thành nên đới hội tụ (convergence zone - 수렴대 (收斂帶)). Đới hội tụ này dừng lại trên vùng trời của Hàn Quốc và mùa mưa Jangma bắt đầu.
Thường thì người ta cho rằng giới tuyến Jangmajeonseon (장마전선) có đặc điểm di chuyển dần lên phía Bắc, nhưng không phải vậy. giới tuyến Jangmajeonseon (장마전선) dựa vào ảnh hưởng của khối khí áp cao giữa Nam và Bắc mà di chuyển lên xuống liên tục giữa Nam và Bắc bán đảo Triều Tiên. Đây chính là lý do tại sao các bạn ở Hàn Quốc nhận thấy mưa rơi liên tục trong khoảng một tuần, sau đó lại dứt và lại tiếp tục mưa tiếp.
Jangma được coi là một hiện tượng thời tiết đặc trưng của bán đảo Triều Tiên. Khi nói đến khí hậu Hàn Quốc, ngoài việc có bốn mùa rõ rệt và khí hậu ôn hòa, thì Hàn Quốc cũng nổi tiếng với mùa mưa Jangma. Mùa mưa Jangma vào mùa hè quyết định đến 30% lượng nước mưa (강수량) của bán đảo Triều Tiên. Mưa Jangma (장맛비) còn có chức năng làm giảm bụi mịn (미세먼지) và nguy cơ cháy rừng (산불). Tuy nhiên, nếu lượng mưa rơi nhiều, sẽ khiến lượng nước trên sông, hồ dâng cao gây ra nguy cơ lũ lụt(홍수) hay sạt lở (산사태) ở khu vực núi. Do đó, người ta còn đặt một tên gọi khác cho Jangma là mùa thứ 5 (제5의 계절).
Vào lúc ban đầu của thời kỳ Jangmacheol, mưa phùn (보슬비) sẽ xuất hiện cùng với nhiệt độ thấp. Sau đó, do sự tăng cường của khối khí áp cao Bắc Thái Bình Dương mà giới tuyến Jangmajeonseonn (장마전선) di chuyển vào đất liền và xuất hiện các đợt mưa lớn.
Trong các đợt Jangma, khi mà ảnh hưởng của khối khí áp cao từ phía Bắc tăng dần lên thì thời tiết sẽ trở nên mát mẻ và thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, việc này không kéo dài được lâu. Đặc biệt là khi giới tuyến Jangmajeonseon (장마전선) kết hợp với bão (태풍) thì sẽ xuất hiện hiện tượng mưa tập trung (집중호우) kéo theo lũ lụt (홍수) gây ra thiệt hại to lớn về người và của.
Tùy theo việc giới tuyến Jangmajeonseon (장마전선) có tiến vào bán đảo Triều Tiên hay không, và cũng tùy theo mức độ hoạt động của nó, mà người ta có thêm thuật ngữ Mareunjangma (마른장마) tức là Jangma Khô. Tại sao lại là Jangma khô? Đó là khi mà vào thời kỳ Jangmacheol, lượng mưa ít và có thể không có mưa.
Jangma bắt đầu từ lúc nào? Và kết thúc vào khi nào?
Nhiều người nhầm tưởng rằng Jangma xuất hiện cùng với mùa hè, tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Jangma thông thường sẽ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 3 hoặc 4 của tháng 6, và kéo dài cho đến tuần thứ 2 hoặc 3 của tháng 7. Đây là khoảng thời gian Jangma xuất hiện theo truyền thống, nhưng cũng có năm mà Jangma đến rất sớm (tuần thứ 1 hoặc thứ 2 của tháng 6), và có khi kéo dài đến tận tháng 8.
Vào năm 2002 khi mà World Cup được tổ chức tại hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản, ngày khai mạc giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh đã được dời sang ngày 31 tháng 5 chứ không phải là giữa tháng 6 giống như mọi năm. Nguyên nhân của việc này được giải thích là để tránh mùa mưa Jangma.
Nếu như mùa mưa Jangma đến muộn hơn so với mọi năm, thì chúng ta gọi đó là 지각장마 (Jigakjangma) có nghĩa là Jangma đến muộn. Ai học tiếng Hàn chắc hẳn đều quen thuộc từ '지각하다' thường được dùng để chỉ việc đi học muộn. Các bạn học sinh của Trung tâm du học Hàn Quốc ACES cũng thường nói '선생님, 저는 지각했습니다 (Cô ơi, em đi học muộn ạ)' với cô giáo khi mà đêm trước các bạn lỡ thức khuya lướt tiktok hoặc chat video với bạn trai mà quên ngủ.
Đối với người Hàn Quốc, khi mà mưa Jangma (장맛비) kéo dài hơn một tuần liên không dứt thì người ta gọi nó là 마라톤장마 (Marathon Jangma) tức là ví Jangma giống như một người vận động viên chạy đường dài (chạy marathon) vậy.
Ngoài ra, còn có Jangma mùa thu (가을장마 - Gaeunjangma). Jangma mùa thu đúng như tên gọi của nó, xuất hiện vào mùa thu, có đặc điểm gần giống như Jangma mùa hè. Jangma mùa thu xuất hiện khi mà vào mùa thu, khối khí áp cao Bắc Thái Bình Dương trở nên suy yếu trong khi ảnh hưởng của khí áp cao trong đất liền lại trở nên mạnh hơn và giới tuyến Jangmajeonseon (장마전선) di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, Jangma mùa thu thường không rõ ràng như Jangma mùa hè. Về mức độ thì Jangma mùa thu xuất hiện vào thời điểm mà có nhiều bão (태풍) nên Jangma mùa thu có thể gây thiệt hại khá lớn đến mùa màng và đời sống sinh hoạt.
III. JANGMA VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN:
Các bạn du học sinh đã có nhiều năm sinh sống và học tập ở Hàn Quốc chắc chắn không lạ gì Jangma mỗi tầm tháng 6, tháng 7. Nói là ghét thì không phải, mà bảo là thích thì chắc chắn là không. Tại sao lại như vậy?
Bởi vì việc mưa Jangma rơi kéo dài suốt gần một tháng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt thường nhật của tất cả mọi người. Đặc biệt là du học sinh Việt Nam chúng ta, khi mà phần lớn mọi người đều phải đi làm thêm, hay đi học hàng ngày. Đối với các bạn du học sinh đang học chuyên ngành (cao đẳng, đại học) thì Jangmacheol trùng với thời điểm nghỉ hè (banghak) nên không sao. Nhưng đối với du học sinh hệ học tiếng, thì tháng 6 ~ 7 vẫn là giai đoạn các bạn đang học tiếng ở trường. Mưa rơi cả ngày sẽ khiến quần áo, giầy dép, balo đều bị dính nước mưa và chúng ta sẽ cảm thấy rất khó chịu khi phải ra ngoài vào thời gian này.
Các bạn cần chuẩn bị cho mình ô/dù (우산) khi mùa mưa Jangma đến. Ở Hàn Quốc người ta ít dùng áo mưa, mà chỉ dùng ô/dù là chủ yếu. Vào trong các tòa nhà, siêu thị, cửa hàng, người ta cũng sẽ chuẩn bị túi đựng để tránh dây nước mưa ra sàn. Các bạn du học sinh mình cần chuẩn bị và bảo quản ô/dù cho thật tốt nhé. Nếu khi đang đi trên đường mà bị mất hoặc đang dùng mà bị hỏng thì sẽ rất là mệt mỏi đấy ạ.
Đối với các bạn đi làm, thì một số hoạt động như làm nông, làm xây dựng, chạy giao hàng (betal) sẽ bị ảnh hưởng khá lớn. Thường thì sẽ không có việc làm, hoặc công việc sẽ phải được hoàn thành nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn để tránh bị mưa làm ảnh hưởng. Nếu bạn nào chạy betal thì cần chú ý đường trơn trượt sẽ gây ra tai nạn nếu phóng nhanh.
Các bạn làm quán ăn thì tùy vào quán của bạn bán món gì thì sẽ bị ảnh hưởng theo. Đặc biệt các món có yếu tố lạnh như quán sushi (Hàn Quốc gọi là quán 회, tức là gỏi) thường sẽ không bán được hàng. Nguy cơ bị chủ nhắn tin đề nghị ở nhà hoặc cho về sớm là khá cao.
Vấn đề lớn nữa là trong sinh hoạt. Khi mùa mưa Jangma đến, độ ẩm sẽ lên cao dẫn đến việc xuất hiện rất nhiều muỗi (모기). Cho dù nhiều bạn nhận xét là muỗi ở Hàn 'ngu' hơn muỗi ở Việt Nam do chúng bay chậm và dễ bị tóm hơn, thì việc xuất hiện muỗi sẽ khiến chúng ta phải đóng kín cửa, gây bí bách trong phòng, và nguy cơ bị muỗi đốt là rất cao.
Ngoài muỗi ra, trong phòng chúng ta cũng sẽ xuất hiện một vị khách không mời mà tới đó chính là nấm mốc (곰팡이). Nấm mốc xuất hiện ngoài việc làm ẩm đồ đạc, chúng sẽ xuất hiện len lỏi trên khắp các bức tường. Nguy cơ chúng ta bị chủ nhà bắt nộp tiền diệt nấm mốc và thay giấy dán tường (khoảng 80,000 KRW tương đương 1,600,000 VND trở lên) là rất cao. Điều này gây tổn thất về kinh tế, khi mà như đã nói ở trên là mùa mưa tới thì các bạn sẽ nguy cơ bị giảm giờ làm.
Về sức khỏe, khi mùa mưa Jangma đến, các bạn du học sinh chúng mình cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Bởi nhiều nguyên nhân, thứ nhất, mưa kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh. Thứ hai, thức ăn trong giai đoạn rất dễ bị hỏng, ôi thiu, nên cần được chú ý bảo quản trong tủ lạnh. Nhiều bạn có thói quen để đồ đang ăn dở ở ngoài, và lấy ra ăn tiếp do khí hậu Hàn Quốc khá mát mẻ. Tuy nhiên, đến mùa mưa Jangma thì chúng ta nên cất đồ ăn trong tủ lạnh cả nhà nhé.
Và cũng giống như ở Việt Nam, việc giặt giũ và phơi đồ vào mùa mưa Jangma sẽ rất phiền toái. Phơi đồ thì mãi không khô, mà cứ ra ngoài đường thì lại bị ướt quần áo và giầy dép. Do đó, việc sử dụng máy sấy ở tiệm giặt lạ hoặc trong các phòng giặt ở ký túc xá là điều rất cần thiết. Ngoài ra, bạn nào ở trọ ở ngoài, thì nên chú ý vệ sinh quạt và máy điều hòa nhé.
CÙNG ACES TÌM HIỂU VỀ TẾT TRUNG THU CỦA HÀN QUỐC_ CHUSEOK
Phong tục Hàn Quốc
Dosirak (도시락) - Văn hóa ăn cơm hộp của Hàn Quốc
Phong tục Hàn Quốc
Văn hóa ăn gà tần sâm của người Hàn Quốc trong mùa hè
Phong tục Hàn Quốc
Naengmyeon: Món mỳ lạnh nổi tiếng của xứ sở Kim Chi
Phong tục Hàn Quốc
Ngày thầy cô giáo Hàn Quốc 15/05
Phong tục Hàn Quốc
Ngày Valentine Đen chỉ có ở Hàn Quốc
Phong tục Hàn Quốc
Ngày Valentine Trắng ở Hàn Quốc
Phong tục Hàn Quốc
Hình ảnh chợ truyền thống của Hàn Quốc ngày 30 Tết
Phong tục Hàn Quốc