Hình ảnh chợ truyền thống của Hàn Quốc ngày 30 Tết

16/02/2021

Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc cũng đón Tết âm lịch giống như nhiều quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Nhật Bản, Thái Lan, v.v... Tuy vậy, có rất nhiều nét vừa tương đồng vừa khác biệt trong phong tục đón Tết giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Không khí chợ Tết cũng là một trong những nét tương đồng mà cũng khác biệt như vậy. Trong bài viết này, Trung tâm du học Hàn Quốc ACES sẽ giới thiệu cho các bạn rõ về các nét đặc trưng của chợ Tết Hàn Quốc, và những nét khác biệt cũng như tương đồng của chợ Tết của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. 

 

23

 

Đầu tiên, Hàn Quốc có hai dạng chợ truyền thống. Một là chợ họp theo phiên, ví dụ chỉ họp vào những ngày kết thúc vào các ngày 2, 5, 7 hàng tháng. Hai là chợ được mở hàng ngày. Ở các địa phương như Gyeongbuk, Gyeongnam, Chonnam, v.v... các chợ truyền thống họp theo phiên rất phổ biến. Trong khi, các thành phố lớn hoặc các thành phố thuộc tỉnh thì đều có chợ mở hàng ngày. Hình ảnh trong bài viết này được thầy Hồ Quang Anh của Trung tâm du học Hàn Quốc ACES chụp tại chợ Gyeongsan (tỉnh Gyeongbuk). Chợ Gyeongsan là dạng chợ mở hàng ngày, do vị trí địa lý đặc thù của mình (Gyeongsan tuy là thành phố thuộc tỉnh Gyeongbuk, nhưng lại ở ngay sát Daegu và có hệ thống giao thông công cộng gắn liền với thành phố Daegu). 

 

22

 

Thứ hai, về mặt thời gian, chợ Tết Hàn Quốc mở kéo dài cho đến tận ngày 30 Tết chứ không đóng cửa sớm như chợ Tết ở Việt Nam. Nếu như ở Việt Nam đến các ngày 28~29 Tết chợ đã tan, và chỉ còn một số ít cửa hàng còn mở, thì ở Hàn Quốc, càng về cuối chợ càng đông. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là xuất phát từ phong tục đón Tết của hai nước. Do ở Hàn Quốc chỉ ăn Tết trong ba ngày (30 Tết, mùng 1, mùng 2) nên người dân Hàn vẫn còn tiếp tục làm việc cho đến 29 Tết trong trường hợp của cán bộ, nhân viên công ty lớn; còn đối với các cơ quan nhỏ hay các cửa hàng, quán ăn tư nhân thì thường làm việc xuyên Tết. Còn đối với người Việt Nam, chúng ta thường có thói quen nghỉ Tết sớm (từ 23 tháng Chạp) và đến ngày 29, 30 Tết là phải hoàn thành việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

 

17

 

Thứ ba, chợ Tết Việt Nam thường được tô điểm bằng việc xuất hiện của các gánh hàng hay quầy hàng mới - chỉ bán các loại hàng đặc biệt trong dịp Tết như đào, quất, mai, bánh chưng - bánh tét, tôm khô, măng khô, v.v... Ở Hàn Quốc, việc bày mâm cơm cúng ngày Tết và chuẩn bị món ăn ngày Tết cũng phức tạp như ở Việt Nam, nên việc gia tăng sự xuất hiện của các món hàng bán Tết là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, do sự phát triển của kinh tế, và mức độ lưu thông của hàng hóa, cũng như văn hóa đặc thù của Hàn Quốc không có quá nhiều khác biệt giữa các vùng miền như ở Việt Nam, nên các mặt hàng Tết của Hàn Quốc không quá khó tìm kiếm. Việt Nam chúng ta hiện nay cũng đang dần trở nên giống như vậy khi đời sống kinh tế đi lên, người ta có thể tìm mua các thức thực phẩm mà đáng ra ngày xưa chỉ đến Tết mới được ăn. 

 

10

 

Thứ tư, có một sự khác biệt là ở Hàn Quốc, việc người nông dân có thể trực tiếp bán các sản phẩm của mình làm ra là chuyện rất phổ biến. Ở Hàn Quốc, việc các nông dân ở địa phương (nơi trực tiếp làm ra sản phẩm) phải phụ thuộc vào hệ thống lái buôn (trong đó bao gồm thương lái Trung Quốc) như ở Việt Nam là ít hơn hẳn. Cho nên, các bạn hoàn toàn có thể mua được sản phẩm trực tiếp từ những người nông dân, ngư dân, hay chủ trang trại là chuyện dễ dàng. Một trong những lý do của hiện tượng này là do hệ thống giao thông công cộng phát triển, cũng như việc sở hữu ô tô cá nhân là phổ biến. 

 

16

Các loại rau củ quả có thể được bán bởi chính những người trồng ra chúng

 

9

Bánh gạo truyền thống của Hàn Quốc được làm và bán ngay tại chợ vào những ngày cuối năm

 

12

Ngư dân bán rong biển, hay cá, và các loại hải sản khác tại chợ

 

Tuy vậy, chợ truyền thống của Hàn Quốc vẫn có một hệ thống rất lớn các cửa hàng phân phối lại như các cửa hàng thịt lợn, cửa hàng bán thủy hải sản, cửa hàng thịt gia cầm, cửa hàng trái cây, v.v... 

 

14

Một quầy hàng hải sản trong chợ, trong hình là bạch tuộc (문어) có giá thành khá đắt đỏ ở Hàn Quốc

 

8

Chợ truyền thống của Hàn Quốc thường có hai dãy quán chính cố định ở hai bên, và một dãy sạp không cố định ở giữa tạo thành hai lối đi trong chợ

 

Thứ năm, chợ truyền thống của Hàn Quốc ngày thường không có quá nhiều người, số lượng người đi chợ tăng đột biến vào dịp Tết. Mức độ gia tăng số lượng người đi chợ Tết so với chợ ngày thường của Hàn Quốc có vẻ có mức chênh lệch lớn so với Việt Nam, theo cảm nhận cảm quan của người viết bài này (thầy Hồ Quang Anh có kinh nghiệm sống tại Hàn Quốc khoảng 12 năm - từ năm 2007). Nhìn chung chợ truyền thống của Hàn Quốc ngày Tết có lượng người đi chợ đông hơn hẳn ngày thường, và có sự xuất hiện của cả hai vợ chồng hoặc cả gia đình đi sắm Tết. Việc này là một sự khác biệt, vì ngày thường chỉ có người phụ nữ đảm đương vai trò nội trợ trong gia đình là đảm nhận việc đi chợ mua thức ăn cho cả nhà. 

 

21

Khung cảnh tấp nập của chợ Tết Hàn Quốc

 

Thêm nữa, người Hàn Quốc đi chợ Tết không chỉ để mua sắm, mà trong một số trường hợp cả gia đình có thể cùng nhau thưởng thức món ăn trong chợ Tết luôn. Đây cũng là một sự khác biệt lớn so với ở Việt Nam khi mà việc đi chợ Tết vẫn chủ yếu xuất phát từ nhu cầu mua sắm đồ ăn trong Tết. 

 

19

 

Đánh giá tổng quan, các mặt hàng được bày bán trong chợ truyền thống của Hàn Quốc ngày Tết không có quá nhiều biến động về mẫu mã cũng như giá cả, tuy nhiên do nhu cầu mua sắm cận Tết là rất lớn, nên diễn ra hiện tượng tăng vọt cả về số lượng người bán và người mua trong một khoảng thời gian ngắn.

 

1

 

Thứ bảy, đối với các mặt hàng trái cây ở chợ truyền thống Hàn Quốc ngày Tết, nhiều loại trái cây được bán với giá cả phải chăng hơn ngày thường, hoặc duy trì ở mức giá vừa phải. Nhiều loại hoa quả của Hàn có thể thay thế được cho các loại hoa quả truyền thống của Việt Nam trong việc trưng bày mâm ngũ quả. 

 

2

 

Thứ tám, so với nhiều năm về trước, số lượng người Việt Nam sinh hoạt và học tập ở Hàn Quốc đã tăng lên một cách đáng kể, cho nên việc các sản phẩm Việt Nam được bày bán tại Hàn Quốc không còn là chuyện hiếm. Riêng chợ Gyeongsan đã có hai cửa hàng do người Việt Nam làm chủ, chuyên bán các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam.

 

3

Bên trong cửa hàng Asian Mart ở chợ Gyeongsan

 

4

Chủ cửa hàng sẽ bố trí cành mai hoặc đào để trưng bày trang hoàng cho quán trong dịp Tết

 

7

 

Đối với các mặt hàng bánh chưng-bánh tét, thay vì nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam qua như nhiều năm trước, hiện nay nhiều hộ gia đình hoặc cá nhân người Việt đã có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm tại chỗ. Mẫu mã và cả chất lượng của bánh chưng-bánh tét được bán ở bên Hàn được đánh giá ở mức vừa phải, tuy không thể bằng các sản phẩm được làm và bán ở trong nước, nhưng nhìn chung chúng đáp ứng được nhu cầu sử dụng cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. 

 

5

Một số loại hoa quả như chuối xanh, xoài, v.v... được nhập khẩu sang để bán dịp Tết

 

Đối với một số loại hoa quả, hay các sản phẩm làm từ mứt đặc thù như chuối xanh, xoài, đu đủ, hướng dương, hạt bí đỏ, v.v... thì được nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam qua. Tuy vậy, giá thành của các loại sản phẩm này còn khá cao, và được tiêu thụ chủ yếu bởi các hộ gia đình người Việt đã sống lâu năm ở Hàn, hoặc các nhóm ăn Tết tập thể (hội sinh viên, hội đồng hương) là chủ yếu.

 

6

 Mứt Tết, hướng dương, hạt bí đỏ, đồ khô được bày bán tại chợ Gyeongsan

 

Nhiều gia đình hay chính bản thân học sinh thường lo lắng khi nhận được visa và có lịch bay trước hoặc ngay sau Tết, và họ thường băn khoăn trăn trở có nên sang Hàn Quốc trước Tết hay không. Nhiều bạn vì lý do công việc và học tập nên buộc phải có mặt ở Hàn Quốc vào thời điểm cận Tết nên không thể đón Tết cùng gia đình, người thân và bạn bè. Hi vọng bài viết này đã cung cấp được cho các bạn các thông tin hữu ích để giúp các bạn hiểu thêm về phong tục, hay đời sống văn hóa của Hàn Quốc, và qua đó làm bớt đi nỗi lo lắng trước khi sang Hàn Quốc du học, làm việc. Chúc các bạn và gia đình có một năm mới an lành, hạnh phúc, tấn tài tấn lộc và vạn sự như ý ạ. ^^