Hàn Quốc đứng thứ 2 trong danh sách hộ chiếu quyền lực thế giới (2022)

12/02/2022

Theo xếp hạng của ‘Chỉ số Hộ chiếu Henley 2022(Henley Passport Index)’ do Henley & Partners, một công ty tư vấn về cư trú và quốc tịch toàn cầu công bố vào ngày 11 (theo giờ địa phương), Hàn Quốc đồng xếp hạng với Đức, cùng nắm giữ vị trí thứ hai về chỉ số hộ chiếu với số điểm 190.

 

Hộ chiếu quyền lực 2022


Người ta đánh giá rằng hộ chiếu Hàn Quốc có thể đi đến tổng cộng 190 quốc gia/khu vực trên thế giới. Vị trí này đã tăng một bậc so thứ hạng thứ 3 vào tháng 7/2021.

 

Chỉ số Hộ chiếu Henley được xếp hạng dựa trên dữ liệu độc quyền do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp, thường xuyên đánh giá các cuốn hộ chiếu thuận lợi nhất để đi lại giữa 199 quốc gia trên thế giới kể từ năm 2006.

Bảng xếp hạng này không tính đến các hạn chế đi lại tạm thời do đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Theo đó, Nhật Bản và Singapore là 2 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng lần này. Điều này đồng nghĩa với việc về mặt lý thuyết, công dân có quốc tịch Nhật Bản hoặc Singapore có thể đi đến 192 quốc gia mà không cần thị thực.

Điều nổi bật trong bảng xếp hạng Chỉ số Hộ chiếu Henley 2022 đó là hộ chiếu của các quốc gia Châu Âu vẫn rất quyền lực. Bắt đầu với Đức (190), đứng thứ hai, theo sau là Phần Lan, Ý, Luxembourg và Tây Ban Nha cùng đứng ở vị trí thứ ba (189), trong khi Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Áo đứng thứ tư (188), Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ sáu (186).
 
Hộ chiếu quyền lực số 2 thế giới
 
Trái lại, quốc gia xếp hạng thấp nhất là Afghanistan, khi chỉ có thể đi tới 26 quốc gia mà không cần thị thực. Triều Tiên xếp thứ 104 và có thể đến thăm 39 quốc gia mà không cần xin thị thực.

Christian Kalin, người sáng lập bảng xếp hạng này cho rằng "Hộ chiếu và thị thực là một trong những công cụ quan trọng nhất ảnh hưởng đến bất bình đẳng xã hội trên toàn thế giới, vì chúng quyết định cơ hội để di chuyển. Các quốc gia giàu có nên khuyến khích tính di động để giúp phân phối và cân bằng lại nguồn nhân lực và vật lực trên toàn cầu."
 

Mặt khác, báo cáo này cũng nhận định, sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối năm ngoái đã gây ra sự chia rẽ ngày càng gia tăng về việc đi lại quốc tế giữa những nước giàu và nước nghèo khi chỉ ra rằng, các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng chủ yếu với các nước châu Phi.

Nếu không tính tới yếu tố đại dịch, nhìn chung, mức độ tự do đi lại trên thế giới đã được mở rộng đáng kể trong những thập kỷ qua. Chỉ số Hộ chiếu Henley năm 2006 cho biết, trung bình một quốc gia có thể tới 57 nước mà không cần xin trước thị thực. Ngày nay, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 107.

 

Dù vậy, sự tự do đi lại này chủ yếu áp dụng ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và những nước giàu ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Theo Kinh tế Aju