Hàn Quốc mở rộng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch

15/12/2021

Từ ngày 6/12, Hàn Quốc bắt đầu triển khai đối sách phòng dịch đặc biệt trong vòng 4 tuần, trong đó mở rộng đối tượng áp dụng “thẻ thông hành phòng dịch”, hay còn gọi là “thẻ thông hành vắc-xin”. Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh thẻ thông hành phòng dịch không phải là sự phân biệt đối xử vô cớ, mà là một “cam kết tối thiểu” nhằm bảo vệ cộng đồng, đề nghị người dân phối hợp thực hiện.

 

Đối sách phòng dịch đặc biệt và thẻ thông hành phòng dịch

 

Nội dung trọng tâm của đối sách phòng dịch đặc biệt là giảm quy mô cho phép tụ tập riêng tư tối đa ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận, từ 10 người xuống 6 người, các khu vực còn lại từ 12 người xuống 8 người, áp dụng trong vòng 4 tuần từ 6/12. Một nội dung quan trọng khác là mở rộng đối tượng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch với tất cả các cơ sở tập trung đông người, thay vì chỉ áp dụng hạn chế với các cơ sở như phòng tập hát, phòng tắm hơi, cơ sở thể thao trong nhà, cơ sở giải trí, casino như trước.

 

Theo quy định mới, người dân khi tới các cơ sở tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, sẽ phải xuất trình thẻ thông hành phòng dịch, tức giấy chứng nhận đã tiêm phòng vắc-xin hoặc giấy xét nghiệm âm tính với virus COVID-19. Ngoài ra, các loại giấy tờ này cũng sẽ được yêu cầu khi người dân tới trung tâm dạy thêm, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn, phòng đọc sách, quán net, nhà thi đấu trong nhà, bảo tàng, thư viện, tiệm mát-xa. Nếu vi phạm, cả người sử dụng dịch vụ và người quản lý đều bị xử phạt hành chính.

 

Tuy nhiên, đối tượng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch không bao gồm các địa điểm tổ chức tiệc cưới, tang lễ, công viên giải trí, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở thể thao ngoài trời, khách sạn, trung tâm triển lãm, hay các hiệu làm tóc, trung tâm hội nghị quốc tế, cơ sở tôn giáo. Đó là bởi Chính phủ nhận định đây là những cơ sở thiết yếu trong đời sống thường ngày của người dân, hoặc khó có thể kiểm tra thẻ thông hành phòng dịch với từng người.

 

Thẻ thông hành phòng dịch 

 

Tranh cãi

 

Việc mở rộng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch đang làm thổi bùng lên nhiều ý kiến tranh cãi. Trước tiên là tranh cãi về tính công bằng, phân biệt đối xử. Trong đó, trọng tâm là các cơ sở liên quan tới thanh thiếu niên. Điển hình là trung tâm dạy thêm thuộc đối tượng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch, trong khi các trung tâm thương mại hay cơ sở tôn giáo, trường học lại không áp dụng.

 

Đối tượng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch là thanh thiếu niên sinh từ năm 2003-2009, tương đương với mọi học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, bắt đầu áp dụng từ tháng 2 năm sau. Chính phủ khuyến nghị thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi tích cực tham gia tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Chính phủ khẳng định tỷ lệ báo cáo gặp phản ứng bất thường sau khi tiêm ở thanh thiếu niên tương thấp hơn so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, do có trường hợp thiếu niên bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin nên các bậc phụ huynh vẫn không tránh khỏi bất an.

 

Ngoài ra, có ý kiến nêu ra vấn đề rằng nhiều người, trong đó có người cao tuổi, không sử dụng thành thành thạo internet, smartphone, sẽ bị gặp khó khăn khi sử dụng thẻ thông hành phòng dịch. Mặc dù người dân có thể in thẻ thông hành phòng dịch hoặc trực tiếp lấy giấy chứng nhận tại các trung tâm y tế, trung tâm hỗ trợ hành chính cấp phường nơi cư trú, nhưng phần lớn thẻ thông hành phòng dịch đang được sử dụng theo hình thức quét mã QR trên smartphone. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng có không ít ý kiến phản đối, bởi dịch COVID-19 đã khiến doanh thu của họ bị giảm, nay lại phải lắp đặt thêm thiết bị quét thẻ thông hành phòng dịch với từng khách hàng, quá trình này có thể dẫn tới sự xung đột với khách hàng.

 

 

Tình hình dịch COVID-19

 

Bất chấp những tranh cãi trên, Chính phủ nhấn mạnh việc mở rộng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch là một biện pháp bất khả kháng. Dịch COVID-19 đang lây lan phức tạp, thêm vào đó là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 7.000 ca, cao nhất kể từ đầu dịch. Công suất giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng sắp đạt tới giới hạn. Nếu tình hình xấu đi hơn nữa, Chính phủ có thể sẽ phải siết chặt tiếp các biện pháp phòng dịch.