Mười năm triển khai chế độ nhập tịch đặc biệt dành cho nhân tài ưu tú của Hàn Quốc

21/08/2021

Đã 10 năm kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu áp dụng chế độ nhập tịch đặc biệt dành cho nhân tài ưu tú người nước ngoài. Cho tới nay, đã có 200 người nước ngoài được cấp quốc tịch Hàn Quốc thông qua chế độ này.

 

10 năm chế độ nhập tịch đặc biệt

 

Chế độ nhập tịch đặc biệt là chế độ công nhận song song cả quốc tịch Hàn Quốc và quốc tịch gốc với người nước ngoài được đánh giá là có tài năng xuất chúng, có thể đóng góp vào lợi ích quốc gia. Người được cấp quốc tịch đầu tiên theo chế độ này là nghệ sĩ violin gốc Việt Trần Hữu Quốc, tốt nghiệp hạng xuất sắc Học viện âm nhạc Gnesin của Nga. Trong năm 2011, năm đầu áp dụng chế độ, có 14 người được cấp quốc tịch Hàn Quốc, năm 2012 tăng lên 15 người, năm 2013 là 17 người, số lượng tăng dần qua mỗi năm.

 

Năm 2016, hai năm trước trước thềm Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc, số người được cấp quốc tịch tăng vọt lên 25 người, chủ yếu là các vận động viên thể thao. Tại Olympic Pyeongchang, có tổng cộng 19 vận động viên nhập tịch tham gia thi đấu đại diện cho đoàn thể thao Hàn Quốc, đa số là các bộ môn mà Hàn Quốc còn yếu như trượt tuyết bắn súng, trượt băng nghệ thuật, đặc biệt là có tới 11 vận động viên khúc côn cầu trên băng. Năm ngoái, số người được nhập tịch đặc biệt lên tới 37 người, con số cao kỷ lục. Chỉ trong 4 tháng đầu năm ny đã có thêm 9 người được cấp quốc tịch Hàn Quốc thông qua chế độ này.

 

10 năm chế độ nhập tịch nhân tài đặc biệt

 

 

Các nhân tài nhập tịch

 

Xét theo lĩnh vực, 65,8% những người nhập tịch qua chế độ này thuộc lĩnh vực học thuật, chiếm tỷ lệ cao nhất; đứng thứ hai là lĩnh vực văn hóa – thể thao – nghệ thuật, chiếm 21,8%; sau đó tới lĩnh vực công nghệ tiên tiến 6,2%. Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh chiếm 4,7%, công nghiệp mới 1%, lĩnh vực chuyên môn khác 0,5%. Ở lĩnh vực học thuật, một gương mặt tiêu biểu là ông Emanuel Pastreich gốc Mỹ (lấy tên tiếng Hàn là Lee Man-yeol), người nhập tịch thứ 100 vào năm 2017. Ông lấy bằng tiến sĩ ngành Văn minh Đông Á tại Đại học Harvard (Mỹ), là một học giả nổi tiếng nghiên cứu về Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á (Asia Institute) tại Seoul.

 

 

Điểm cần cải thiện

 

Nhiều ý kiến cho rằng chế độ này còn nhiều điểm cần cải thiện. Trước tiên là tiêu chuẩn nhập tịch rất khắt khe. Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ đã nới lỏng tiêu chuẩn xét nhập tịch, nhưng bị cho là vẫn chưa đủ. Ví dụ, ở lĩnh vực công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn nhập tịch là phải có trên 5 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực này, thu nhập năm cao gấp 5 lần thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc. Trong khi ở lĩnh vực công nghiệp mới, Chính phủ đang xét cộng điểm cho những nhân tài ngành trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn hệ thống dù người đó thiếu kinh nghiệm hoặc chưa thỏa mãn điều kiện về thu nhập. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần lập thêm những tiêu chuẩn tương tự để giúp nhân tài có thêm cơ hội được nhập tịch Hàn Quốc.

 

Tuy nhiên, một vấn đề cấp thiết hơn đặt ra đó là việc cải thiện nhận thức của người dân, cụ thể là với những người nhập tịch ở lĩnh vực thể thao. Nhiều vận động viên sau khi nhập tịch bị đối xử nghiêm khắc hơn nhiều so với vận động viên người Hàn, nếu thành tích của họ bị kém đi đôi chút. Tại Thế vận hội Tokyo 2020 vừa qua, vận động viên marathon gốc Kenya Wilson Loyanae Erupe (lấy tên tiếng Hàn là Oh Joo-han), vận động viên bóng bàn gốc Trung Quốc Điền Mân Vĩ (lấy tên tiếng Hàn là Jeon Ji-hee) đã bị người hâm mộ thể thao chỉ trích gay gắt vì thành tích kém cỏi. Điều này cho thấy dư luận chỉ coi họ là người Hàn nếu họ thể hiện tốt, xem họ là người nước ngoài nếu thể hiện kém.

 

Trên thực tế, nhiều trường hợp người nhập tịch không thể sống lâu dài tại Hàn Quốc mà phải trở về nước do những chỉ trích gay gắt này. Việc cải thiện về chế độ, pháp lý là quan trọng, nhưng trước hết, Chính phủ phải tạo ra một bầu không khí, một môi trường thuận lợi để những người nhập tịch có thể sinh sống mà không gặp phải bất cứ bất tiện nào.

 

Theo KBS World