Cuộc sống tại khu cách ly ở Việt Nam trong mắt du học sinh
12/04/2020
Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cách ly là biện pháp hữu hiệu kiềm chế dịch bệnh. Du học sinh Kai Nguyen đã ghi lại cảm nhận về công tác chống dịch của Việt Nam tại một trung tâm cách ly dành cho những công dân từ nước ngoài trở về và chia sẻ trên National Public Radio (NPR).
Là du học sinh tại Đại học Syracuse (New York, Mỹ), lần trở về này đối với Kai Nguyen đã có những trải nghiệm đặc biệt hơn với nhịp sống bình yên, chậm rãi tại khu cách ly dịch COVID-19 ở Việt Nam. Xin trích dưới đây về chia sẻ của Kai Nguyen: "Mọi lần, khi quay về Hà Nội, tôi thường lấy chiếc xe ga của mình dạo phố, lượn qua các quán càphê nhỏ và vài hàng quán vỉa hè. Nhưng lần trở về này thật khác. May mắn mua được chiếc vé máy bay cuối cùng từ Syracuse trở về Việt Nam, sau chuyến bay kéo dài 30 tiếng, tôi được đưa lên xe bus, xịt khử trùng và chở tới khu cách ly phía bên kia thành phố thay vì được bố và ông đón như mọi khi.
Nơi tôi đến là ký túc xá Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - một trong những nơi được chuẩn bị để cách ly những người Việt Nam trở về từ khắp nơi trên thế giới. Tôi ở trong căn phòng có 8 người với 4 giường tầng. Chúng tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách an toàn với nhau và luôn đeo khẩu trang, trừ khi ăn uống.
Ngay từ hôm đầu tiên tôi đến, phòng đã được chuẩn bị sẵn gối, chăn, màn, xà phòng rửa tay và giấy vệ sinh. Sáng hôm sau, chúng tôi được phát thêm cả cốc, khăn mặt, dầu gội, sữa tắm và móc treo quần áo. Ngoài ra, chúng tôi được cung cấp ba bữa ăn miễn phí hàng ngày, khẩu trang và cả nước rửa tay. Hôm nào cũng có nhân viên tới khử trùng phòng ốc. Vài ngày sau đó, chúng tôi được xét nghiệm COVID-19. Tất cả đều miễn phí.
Cuộc sống tại nơi cách ly nhìn chung là thoải mái và không có gì để phàn nàn. Tôi thấy mình thật nhàn rỗi khi cả ngày chỉ ăn và ngủ. Thỉnh thoảng sau khi làm xong bài tập, tôi chơi game trên điện thoại, đi dạo quanh khu ký túc và chụp ảnh để giữ đầu óc luôn tỉnh táo.
Trong khi đại dịch đang lây lan ngoài kia, tôi hiểu rõ cuộc sống "nhàn rỗi" này đối với mình là vô cùng may mắn. Thời gian học tại Mỹ của tôi đã bị cắt ngắn, tôi không biết khi nào mình có thể quay trở lại giảng đường. Trường tôi đã phải hủy buổi lễ tốt nghiệp, vì thế, bố mẹ sẽ không thể chứng kiến khoảnh khắc tôi mặc áo cử nhân như kế hoạch bay sang Mỹ trước đó.
Thời gian rảnh càng khiến tôi thêm nhớ bạn bè, nhớ những lần chụp ảnh cùng nhau, giúp nhau chỉnh sửa các đề tài nghiên cứu hay tâm sự những câu chuyện hàng ngày. Chia tay chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng tạm biệt nhau theo cách đột ngột như vậy khiến trái tim tôi đau nhói.
Nhưng tôi biết không phải riêng tôi cuộc sống bị đảo lộn. Một người chung phòng với tôi về nước cùng với hai đứa con 2 và 5 tuổi, trong khi chồng đang làm việc tại Nhật Bản. Người khác là sinh viên tại Đại học Ohio cũng đang cố gắng theo kịp các lớp học online tổ chức trên Zoom, cách Việt Nam 11 múi giờ. Rồi một người khác phải tạm hoãn đám cưới.
Tại khu cách ly có một chú mặc quân phục được gọi là "chỉ huy". Chú thường dùng loa để nhắc nhở mọi người nhớ đeo khẩu trang thường xuyên, đồng thời, đề nghị mọi người thấu hiểu cho những vất vả của các nhân viên y tế - những người mà chú trìu mến gọi là “anh em”.
Mọi người đều biết họ đang mạo hiểm cả mạng sống chống dịch và sẽ phải chịu cách ly thêm 2 tuần nữa sau khi người dân cuối cùng rời khỏi đây. Chúng tôi không biết làm gì hơn ngoài việc vỗ tay để khích lệ tinh thần cho họ và thể hiện sự biết ơn của mình".
Hành trình quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc 30 năm qua
Tin tức Hàn Quốc
SEOUL (서울) – Thành phố sầm uất bậc nhất Hàn Quốc
Tin tức Hàn Quốc
Những việc làm thêm phổ biến dành cho du học sinh Hàn Quốc
Tin tức Hàn Quốc
Quy định mới về nhập cảnh vào Hàn Quốc sau ngày 08/06/2022
Tin tức Hàn Quốc
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam
Tin tức Hàn Quốc
BTS phát biểu tại Nhà Trắng, gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tin tức Hàn Quốc