Kỷ niệm 71 năm ngày mở đầu của chiến tranh Triều Tiên 25.06
25/06/2021
KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY MỞ ĐẦU CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN
Ngày 25/06 hàng năm được lấy là ngày kỷ niệm ngày mở đầu của chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Do đó, cuộc chiến này còn có tên gọi khác là Chiến tranh ngày 25 tháng 6 (Tiếng Hàn: 6.25 전쟁 hay 육이오 전쟁). Phía Hàn Quốc gọi đây là Chiến tranh Hàn Quốc (Tiếng Hàn: 한국전쟁 - Hanguk Jeonjaeng), phía Cộng hòa DCND Triều Tiên gọi đây là Chiến tranh giải phóng Tổ quốc (조국해방전쟁). Ở Việt Nam, chúng ta thường biết đến cuộc chiến này với tên gọi Chiến tranh Triều Tiên. Tính cho đến nay, chiến tranh Triều Tiên đã xảy ra được 71 năm, dù hiệp đình đình chiến đã được ký kết nhưng trên thực tế Chiến tranh Triều Tiên vẫn có thể coi là chưa kết thúc, khi mà hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng bị chia cắt. Trong bài viết này, Trung tâm du học Hàn Quốc ACES xin được giới thiệu cho các bạn bài viết chi tiết về Chiến tranh Triều Tiên nhằm cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản về lịch sử Hàn Quốc.
I. BỐI CẢNH:
Ngày 15/8/1945, bán đảo Hàn Quốc được giải phòng khỏi ách thống trị 35 năm của thực dân Nhật Bản. Nhưng niềm vui chiến thắng không kéo dài, bởi Chiến tranh Lạnh giữa đại diện Chủ nghĩa tự do dân chủ là Mỹ và khối Cộng sản Liên Xô ngày càng căng thẳng khiến xung đột trên bán đảo Hàn Quốc không ngừng leo thang. Cuối cùng, dưới sức ép quân sự của Mỹ và Liên Xô, bán đảo đã bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, lấy vĩ tuyến 38 độ Bắc làm đường ranh giới tạm thời, phía Bắc do Liên Xô tiếp quản còn Mỹ cử binh lực đóng tại miền Nam, hai miền buộc phải đi theo hai hướng khác nhau. Kể từ đó, các cuộc đụng độ quân sự giữa hai miền thường xuyên xảy ra dọc vĩ tuyến 38 độ Bắc, châm ngòi cho chiến tranh.
II. DIỄN BIẾN:
Cuộc chiến nổ ra vào rạng sáng Chủ nhật 25/6/1950, thời điểm biến động nhân sự trong giới chỉ huy quân sự của Hàn Quốc, và nhiều binh lính Hàn đang trong kỳ nghỉ để phụ giúp cho vụ mùa bận rộn. Bắc Triều Tiên đã lên kế hoạch kỹ càng, lợi dụng tình thế này tập kích bất ngờ vào Hàn Quốc dọc vĩ tuyến 38 độ Bắc. Chỉ sau ba ngày, tức ngày 28/6, quân miền Bắc đã chiếm trọn thủ đô Seoul, tiếp tục tiến quân xuống phía Nam để đánh chiếm toàn bộ Hàn Quốc. Hai tháng sau, toàn bộ lãnh thổ miền Nam, ngoại trừ phía Nam sông Nakdong, rơi vào tay quân đội Bắc Triều Tiên.
Ngày 26/6, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức họp khẩn cấp và thông qua nghị quyết kêu gọi Bắc Tiều Tiên chấm dứt ngay các hoạt động thù địch, rút quân về vĩ tuyến 38 độ Bắc. Tuy nhiên, miền Bắc vẫn tiếp diễn hành động xâm lược. Trước tình hình đó, ngày 28/6, Liên hợp quốc đã quyết định can thiệp quân sự để khôi phục hòa bình cho Hàn Quốc. Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) được thành lập ngày 7/7 và Tướng Douglas MacArthur được bổ nhiệm là Tư lệnh liên quân. Xuyên suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên, tổng cộng 21 quốc gia đã tham gia chiến đấu dưới danh nghĩa lực lượng liên quân Liên hợp quốc. Trong số đó, 16 quốc gia đã phái cử quân trực tiếp chiến đấu là Mỹ, Anh, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Hy Lạp, New Zealand, Ethiopia, Bỉ, Pháp, Nam Phi, Luxembourg; các nước Thụy Điển, Ấn Độ, Đan Mạch, Na Uy, Ý hỗ trợ về quân y. Năm 2018, Seoul đã thêm Đức vào danh sách các quốc gia hỗ trợ y tế cho Hàn Quốc. Ngoài ra, còn rất nhiều quốc gia ủng hộ vật phẩm thiết yếu và tài chính cho Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh.
Liên quân Liên hợp quốc phản công và tiến lên phía Bắc
Ngày 15/9/1950, quân đội Hàn Quốc và liên quân Liên hợp quốc đã bất ngờ đổ bộ Incheon, đồng thời thực hiện chiến dịch phản công trên mặt trận sông Nakdong. Hai kế hoạch thành công đã khiến cục diện chiến tranh đảo ngược, quân đội miền Bắc bắt đầu rút khỏi tất cả các mặt trận sau ngày 23/9. Cuối cùng, miền Nam giành lại được thủ đô Seoul ngày 27/9 và ranh giới tại vĩ tuyến 38 độ Bắc được khôi phục ngày 1/10. Đợt phản công toàn diện qua vĩ tuyến 38 độ Bắc về phía Bắc bắt đầu, quân Hàn Quốc và liên quân Liên hợp quốc chiếm được Bình Nhưỡng ngày 19/10, tiếp tục tiến lên khu vực Wonsan và Hamheung, gần như đạt được mục tiêu thống nhất.
Trung Quốc can thiệp, quân Liên hợp quốc lại phản công
Ngày 25/10, một lượng lớn quân Trung Quốc đã bất ngờ tấn công liên quân Liên hợp quốc, một lần nữa xoay chuyển cục diện lúc bấy giờ. Quân đội miền Nam và quân Liên hợp quốc không kịp phòng thủ và bắt buộc phải rút khỏi miền Bắc. Ngày 4/1/1951, miền Nam một lần nữa phải từ bỏ Seoul và rút dần về phía Nam. Nhưng liên quân Liên hợp quốc lại phản công và tiến quân về phía Bắc để đuổi đánh quân Trung Quốc. Chiến tuyến quanh vĩ tuyến 38 độ Bắc tiếp tục giằng co quyết liệt. Ngày 10/7/1951, chiến tranh Triều Tiên bước vào giai đoạn mới với cuộc đàm phán đình chiến đầu tiên.
Đàm phán ngừng bắn kéo dài ròng rã hai năm, cũng là cuộc đàm phán đình chiến lâu nhất thế giới. Ngay từ đầu, liên quân Liên hợp quốc và quân đội Cộng sản miền Bắc đã có chênh lệch lớn về quan điểm trong các điều khoản thỏa thuận. Trải qua nhiều thử thách cam go, cuối cùng hai bên đã chính thức ký Hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953. Kể từ đó, liên quân Liên hợp quốc và quân đội cộng sản miền Bắc chủ trương hoạt động độc lập.
- Thử thách cam go nhất: Thiết lập đường ranh giới quân sự
Trong khi miền Bắc khăng khăng phải duy trì đường ranh giới quân sự tại vĩ tuyến 38 độ Bắc như trước chiến tranh, Liên hợp quốc lại khẳng nên xác lập biên giới theo tình hình trận chiến. Sau nhiều đợt tranh cãi quyết liệt, ngày 27/11/1951, hai bên đã nhất trí lấy đường chiến tuyến hiện hành dài 237 km làm ranh giới quân sự tạm thời. - Thách thức hồi hương tù nhân chiến tranh
Kế hoạch ban đầu của liên quân Liên hợp quốc là trao trả toàn bộ tù nhân chiến tranh cho miền Bắc theo thỏa thuận Geneva, tuy nhiên, nhiều tù nhân đã từ chối trở về. Các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Trước tình hình đó, truyền thông phương Tây và Hội chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã đưa vấn đề ra cộng đồng quốc tế để vận động dư luận. Cuối cùng, các tù nhân cộng sản đã đồng ý với đề xuất ban đầu, vấn đề hồi hương tù nhân được giải quyết vào tháng 6 năm 1953. - Chính phủ Hàn Quốc phản đối sự phân chia không hoàn chỉnh khi thỏa ngừng bắn gần như sắp đạt được
Tháng 4/1953, Quốc hội Hàn Quốc đã nhất trí hoàn toàn thông qua một nghị quyết phản đối Hiệp định đình chiến, thậm chí trong trường hợp cần thiết, sẽ tự mình tiếp tục cuộc chiến. Trải qua các đợt đàm phán quyết liệt, cuối cùng, vào lúc 10 giờ sáng ngày 27/7/1953, đại diện Bộ tư lệnh liên quân Liên hợp quốc, quân đội miền Bắc và quân đội Trung Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định đình chiến. Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đúng 10 giờ tối cùng ngày, kết thúc cuộc nội chiến đau thương trong bom đạn kéo dài ba năm, một tháng, hai ngày.
III. HẬU QUẢ:
Cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 1.129 ngày (25/6/1950 - 27/7/1953) đã để lại nhiều mất mát, hao tổn nặng nề. Hàn Quốc có hơn 138.000 quân hy sinh, 450.000 người bị thương. Nếu tính cả số lính mất tích trong cuộc chiến, tổng số thương vong của Hàn Quốc lên đến 621.000 người. Về phía Bắc Triều Tiên, tổng số quân thiệt mạng và bị thương là 520.000 người, con số thương vong là 800.000 tính cả người mất tích.
Thiệt hại của liên quân Liên hợp quốc cũng nặng nề không kém với 41.000 lính hy sinh, 104.000 quân bị thương, tính cả lính mất tích và tù nhân chiến tranh là 155.000 người. Chưa dừng lại ở đó, số dân thường thương vong còn nhiều hơn binh lính. Hơn 1 triệu người dân Hàn Quốc đã thiệt mạng, bị thương và mất tích, về phía Bắc Triều Tiên là 1,55 triệu người. Tóm lại, ước tính tổng số nạn nhân chiến tranh bằng một phần năm tổng dân số của hai miền lúc bấy giờ.
Ngoài tổn thất về người, chiến tranh Triều Tiên còn gây thiệt hại lớn về kinh tế. 43% cơ sở công nghiệp và 50% cơ sở khai thác than của Hàn Quốc đã bị phá hủy, tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn gần 2,3 tỷ USD. Cuộc nội chiến cũng khiến 10 triệu thành viên các gia đình bị ly tán, 300.000 phụ nữ mất chồng, 100.000 người mất cha mẹ, và bán đảo Hàn Quốc vẫn bị coi là "đất nước bị chia cắt duy nhất trên thế giới".
Hành trình quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc 30 năm qua
Tin tức Hàn Quốc
SEOUL (서울) – Thành phố sầm uất bậc nhất Hàn Quốc
Tin tức Hàn Quốc
Những việc làm thêm phổ biến dành cho du học sinh Hàn Quốc
Tin tức Hàn Quốc
Quy định mới về nhập cảnh vào Hàn Quốc sau ngày 08/06/2022
Tin tức Hàn Quốc
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam
Tin tức Hàn Quốc
BTS phát biểu tại Nhà Trắng, gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tin tức Hàn Quốc