Nhân viên giao hàng đình công trên phạm vi toàn quốc

17/06/2021

Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và sở hữu nhiều doanh nghiệp vận tải hàng đầu, việc mua sắm online và giao nhận hàng ở Hàn Quốc thường rất thuận tiện. Những công ty như Coupang (쿠방) thậm chí còn có cả dịch vụ 'giao hàng rocket (로켓배송)' đảm bảo giao hàng trước 7 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều bạn du học sinh đang sinh sống và học tập bên Hàn Quốc có thể được cảm nhận một cách rõ rệt sự đình trệ trong việc đặt hàng trên mạng và vận chuyển hàng hóa của hệ thống các công ty vận chuyển của Hàn Quốc (bao gồm cả bưu điện - 우체국 택배).

 

Các chủ shop trên hầu như toàn bộ hệ thống online shopping của Hàn Quốc đều đăng tải thông báo về việc chậm giao hàng so với thường nhật. Thậm chí bản danh sách các địa phương nơi mà hệ thống giao hàng bị đình trệ cũng được công bố để khách hàng lưu ý. Nhiều người cảm thấy khó hiểu tại sao 'thecbe' (택배) của mình mãi mà không thấy về? Cần phải giải thích thêm là 'thecbe' ở đây có nghĩa gốc là 'giao hàng tận nơi' hoặc 'dịch vụ vận chuyển', nhưng được sử dụng phổ biến với nghĩa là 'bưu phẩm' hoặc 'hàng'. 

 

 3

 

Nguyên nhân của hiện tượng này là do hiện đang có khoảng 2.200 người trong tổng số 6.500 thành viên của Liên đoàn Nhân viên giao hàng Hàn Quốc đã ngừng làm việc để tham gia cuộc đình công từ hôm 09/06/2021, sau khi nỗ lực đối thoại với chính phủ và các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng thất bại. Những nhân viên còn lại cũng đồng loạt trì hoãn thời gian bắt đầu làm việc mỗi ngày chậm hơn 2 tiếng. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh các công ty vận chuyển đã không triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng làm việc quá tải. Trước sức ép lớn đến từ hàng nghìn nhân viên nhân viên giao hàng, một số công ty như: CJ Logistics, Lotte Global Logistics và Hanjin Transportation đã cam kết sẽ có những biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng nhân viên giao hàng bị kiệt sức.

 

5

 

Tờ StraitsTimes cho biết, những biện pháp mà các công ty trên hứa sẽ áp dụng bao gồm tuyển thêm nhân viên để phân loại hàng hóa hay sử dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả những biện pháp trên vẫn chưa được thực hiện. Theo các quan chức của Liên đoàn Nhân viên giao hàng Hàn Quốc, việc ép nhân viên giao hàng phân loại hàng hóa "miễn phí" trong nhiều giờ đã giúp các công ty thu lợi khổng lồ trong nhiều thập kỷ. "Các công ty giao vận cần phải chịu trách nhiệm và ngay lập tức áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc làm quá tải", quan chức của Liên đoàn Nhân viên giao hàng Hàn Quốc nhận định.

 

4

 

Cũng theo tờ StraitsTimes, khoảng 40.000 người giao hàng làm việc tại Hàn Quốc đã phàn nàn về tình trạng làm việc quá tải trong một thời gian dài. Việc này trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2020 sau khi nhu cầu với dịch vụ này càng tăng mạnh. Được biết, nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc thường làm việc 12 - 14 giờ mỗi ngày, tăng từ 10 giờ trước đại dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc những nhân viên giao hàng có thể giao 600 đơn mỗi ngày. Trong năm 2020, 16 nhân viên giao hàng tại Hàn Quốc được ghi nhận là đã tử vong vì làm việc quá sức, trong bối cảnh nhu cầu giao nhận hàng hóa gia tăng đột biến do đại dịch COVID-19.