Đổi thẻ Căn cước công dân: Những nội dung quan trọng cần biết

23/07/2020

Theo Luật Căn cước công dân hiện hành, thẻ Căn cước công dân (CCCD) không có giá trị trọn đời. Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì phải đổi thẻ CCCD. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014. Tuy nhiên, công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ tại 3 thời điểm: Đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi theo khoản 1 Điều 21 Luật CCCD 2014.

 

Lưu ý: Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước 3 độ tuổi trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật CCCD 2014.

 

 

1. Về trình tự, thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân

 

Điều 24 Luật CCCD 2014, Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA và Khoản 2, 3 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục đổi thẻ CCCD gồm các bước như sau:

Bước 1: Điền vào tờ khai CCCD

Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Trường hợp công dân kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến. Đối với địa phương tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ về cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền.

 

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (trường hợp công dân kê khai trực tuyến thì thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân;

 

Trường hợp công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân theo quy định.

 

Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay và in Phiếu thu nhận thông tin

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định;

 

Bước 4: Cấp giấy hẹn trả thẻ

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân;

 

Bước 5: Nhận thẻ

Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (nếu có) và trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn. Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân. Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ trả thẻ Căn cước công dân tại địa điểm theo yêu cầu của công dân bảo đảm đúng thời gian và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.

 

Lưu ý: Đối với người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục.

 

 

2. Về thời hạn đổi thẻ Căn cước công dân

 

Theo quy định tại Điều 25 Luật CCCD 2014, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước công dân phải đổi thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

- Thành phố, thị xã: không quá 07 ngày làm việc;

- Các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: không quá 20 ngày làm việc;

- Các khu vực còn lại: không quá 15 ngày làm việc.

 

3. Về nơi làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân

Theo Điều 26 Luật CCCD 2014, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục đổi thẻ CCCD:

- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

 

Theo Thư ký luật